Tin tức

Khám phá phòng họp Quốc hội Việt Nam

Tìm hiểu về phòng họp quốc hội

Phòng họp Quốc hội là phòng họp cao cấp và quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Đây là nơi diễn ra các phiên họp của các quan chức cấp cao trong bộ máy nước, là nơi đưa các quyết định liên quan đến sự phát triển của đất nước. Hãy cùng MyChair tìm hiểu nhiều hơn về căn phòng đặc biệt này ngay trong bài viết dưới đây.

Phòng họp quốc hội có tên là gì?

Tìm hiểu về phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Phòng họp Quốc hội có tên khác là Hội trường Diên Hồng. Cái tên Diên Hồng được lấy cảm hứng từ hội nghị dân chủ đầu tiên của nước ta, diễn ra vào thời Trần. Lúc đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập tất cả các phụ lão trong cả nước để lên chiến lược chống lại sự xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai. Các phụ lão chính là các đại biểu của dân, thay dân quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ. Và ngày nay cũng chính tại phòng họp này, các đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân, thay mặt nhân dân bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thiết kế phòng họp quốc hội

Thiết kế phòng họp quốc hội

Được thiết kế bởi nhóm tác giả Meinhard Von Gerkan, Nikolaus Goetze, Dirk Heller, Joern Ortmann thuộc GMP International GmbH (Đức), công trình Nhà Quốc hội với phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc đã tạo nên hình ảnh kết nối quá khứ và tương lai đất nước khi được xây dựng trên vùng đất có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Phòng họp Quốc được đặt ở tầng 1, ngay vị trí trung tâm của tòa nhà, là nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội Việt Nam. Thiết kế của phòng họp gây ấn tượng bởi:

  • Phòng họp được thiết kế, nếu nhìn từ bên ngoài vào có thể thấy đây là một khối tròn với ý nghĩa tất cả các đại biểu về đây dự họp đều là trung tâm của vòng tròn.
  • Hội trường Diên Hồng rất hoành tráng và quy mô, bao gồm 2 tầng với diện tích rộng lớn. Các đại biểu quốc hội sẽ ngồi ở hội trường tầng 1 với 575 chỗ ngồi, tầng 2 bố trí hơn 339 chỗ ngồi dành cho khách mời và khách dự thính. Trong số 575 ghế tại khu vực tầng 1 có 500 ghế dành cho đại biểu Quốc hội, 75 ghế còn lại dành cho khách mời. Chỗ ngồi của các đại biểu được thay đổi luân phiên tại mỗi kỳ họp để đảm bảo tất cả các đại biểu được ngồi ở các vị trí khác nhau, đảm bảo sự công bằng cho các đại biểu Quốc hội. Vị trí trang trọng nhất trong hội trường là khu vực dành cho chủ tọa kỳ họp. Khu vực này cũng được trang bị hiện đại để phục vụ tốt cho công tác điều hành cuộc họp.

Có thể nói, về mặt kết cấu, thiết kế của tòa nhà đã thể hiện rõ vị trí của đại biểu Quốc hội, cũng như vị trí của Quốc hội là người đại diện cho dân. Một đại biểu Quốc hội đã từng nhận xét: “Cách bố trí các công năng của nó đã thể hiện quyền lực của đất nước nhưng phải thông qua từng đại biểu Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội chúng tôi lại thấy trách nhiệm hơn trong chuyện lắng nghe ý kiến của cử tri, tập hợp ý kiến của cử tri, đưa nguyện vọng chính đáng của cử tri lên Quốc hội cho xứng với công năng mà thiết kế của tòa nhà đã dành cho chúng tôi”.

Nội thất trong phòng họp Quốc hội

Nội thất cơ bản của phòng họp Quốc hội

Đèn chiếu sáng

Hệ thống đèn chiếu sáng trong phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Nội thất trong phòng họp Diên Hồng, quan sát có thể thấy, trên trần nhà là một hệ thống đèn pha lê gồm có 4.500 bóng đèn LED chiếu sáng với công suất lớn, trọng lượng lên tới gần 5 tấn (4.882 kg). Hệ thống đèn chiếu sáng tạo lên sự uy nghiêm mà không hề khô cứng như các phòng họp truyền thống khác.

Màn hình chiếu

Màn hình chiếu trong phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Phía trên sân khấu có 2 màn hình lớn hai bên với kích thước 100 inch. Đây là 2 màn hình để các đại biểu và khách mời có thể thấy rõ vị trí của các đại biểu Quốc hội.

Bàn ghế họp

Bàn ghế được bày trí dành cho đại biểu và khách mời. Trong đó bàn được làm bằng gỗ tự nhiên và gia công trong nước, được bố trí dạng giật cấp vòng cung, hướng về trung tâm. Bên cạnh đó sẽ có 2 dãy bàn sẽ được bố trí làm chỗ ngồi cho Chủ tịch đoàn. Mỗi dãy bao gồm 5 ghế, ghế chính giữa sẽ dành cho Chủ tịch Quốc hội, được đặt với vị trí cao hơn. Hai bên còn lại dành cho các thành viên ủy viên Thường vụ quốc hội và các thành viên Chính phủ.

Bàn họp tại phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Ghế họp Quốc hội được nhập khẩu nguyên chiếc từ Tây Ban Nha, được bọc da màu kem, có thể xoay 360 độ và có độ trượt từ trước ra sau khoảng 15 cm mà không hề tạo ra tiếng ồn.

Ghế họp tại phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Hệ thống trang âm, biểu quyết

Hệ thống trang âm, biểu quyết trong phòng họp quốc hội

(Nguồn: Google ảnh)

Trên bàn của các đại biểu Quốc hội được trang bị hệ thống trang âm, biểu quyết và micro hiện đại để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho Đại biểu Quốc hội khi dự họp. Bên cạnh đó, trên bàn còn có một số điểm đặc biệt:

  • Phím biểu quyết: Sử dụng khi đại biểu Quốc hội cần biểu quyết một vấn đề nào đó
  • Khe đọc thẻ: Mỗi đại biểu Quốc hội sẽ được phát một thẻ gọi là thẻ đại biểu Quốc hội. Trên thẻ tích hợp đầy đủ các thông tin của đại biểu và khi đi họp đại biểu chỉ cần mang theo thẻ và quẹt vào khe cắm thẻ. Đây là một hình thức điểm danh, đồng thời cũng là một hình thức để khởi động các chức năng trên bàn phím. Kết thúc phiên họp thì đại biểu rút thẻ khỏi khe cắm thẻ và tự bảo quản thẻ của mình.
  • Tuy nhiên, với các cuộc họp kéo dài hơn 1 buổi họp thì các đại biểu không rút thẻ khỏi khe cắm, tránh hiện tượng mất đăng ký phát biểu của Đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp Đại biểu cắm thẻ từ sai vị trí hoặc rút thẻ sau khi đã đăng ký phát biểu, bộ phận kỹ thuật sẽ không tiếp nhận những thao tác từ vị trí thiết bị này (bao gồm đăng ký phát biểu cũng như biểu quyết).
  • Phím điều chỉnh âm lượng: Dùng để điều chỉnh âm lượng qua đường tai nghe. Khi một đại biểu Quốc hội đứng lên phát biểu, âm thanh từ vị trí của các đại biểu khác sẽ đồng loạt giảm xuống. Từ đó các đại biểu có thể xác định được đại biểu đang phát biểu đang ở vị trí nào trong phòng họp
  • Phím đăng ký phát biểu: Hiện nay khi muốn đăng ký phát biểu đại biểu Quốc hội chỉ việc bấm nút. Khi nút và micro nhấp nháy có nghĩa là việc đăng ký đã thành công và nếu muốn hủy đăng ký phát biểu các đại biểu cũng chỉ việc thao tác lại một lần nữa đồng nghĩa với đó việc hủy đăng ký phát biểu cũng đã thành công.

Một số các nội thất khác có thể kể đến trong phòng họp Quốc hội như tượng Bác, cờ, cây xanh, thảm trải sàn, quốc huy,…

Hệ thống kỹ thuật trong phòng họp Quốc hội

Tòa nhà Quốc hội nói chung và phòng họp nói riêng được tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phức tạp từ hàng trăm nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới như: máy phát điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống tự động hoá mặt đứng, hệ thống cửa an toàn.

Hệ thống âm thanh, hình ảnh và truyền hình được VNPT và Đài truyền hình VTC tham gia xây dựng, lắp đặt. Hệ thống điện tử và âm thanh được kết nối tới hệ thống ma trận chuyển mạch với các thiết bị đầu cuối, đảm bảo tích hợp hài hòa với kiến trúc nội thất, có tính ổn định và dự phòng cao.

Một số phòng ban xung quanh phòng họp Quốc hội

Bên cạnh phòng họp Quốc hội là phòng Tân Trào, phòng báo chí và một số khu vực làm việc khác của các lãnh đạo.

Phòng Tân Trào

Phòng Tân Trào

(Nguồn: Google ảnh)

Phòng Tân Trào là nơi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bố trí ở tầng 2, cánh phía đông. Chiều cao tầng thông thủy là 6m, diện tích căn phòng là 600m2. Hệ thống chiếu sáng của công trình này có tới 21.000 bộ đèn nội thất cùng với hệ thống đèn chiếu sáng sự cố. Môi trường làm việc được thiết kế ánh sáng và đảm bảo tầm nhìn hợp lý, lấy ánh sáng bên trong từ mái xuống và từ những hốc trong phòng.

Phòng Tân Trào được thiết kế hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến cuộc họp. Toàn bộ thiết bị điện tử và hệ thống âm thanh ánh sáng hội trường đều được đặt và nhập từ nước ngoài.

Phòng báo chí

Phòng báo chí

(Nguồn: Google ảnh)

Không gian phòng báo chí chỉ có khoảng 300 chỗ ngồi cho giới truyền thông. Không gian này được cho là chưa đủ chỗ ngồi để phóng viên báo chí có thể tác nghiệp. Đồng thời, phóng viên các báo đã kiến nghị với Văn phòng Quốc hội hy vọng rằng được tạo điều kiện tốt hơn để tiếp cận với phiên họp cũng như đại biểu tham dự.

Một số không gian làm việc khác gần phòng họp Quốc hội:

  • Khu làm việc của các lãnh đạo cấp cao’
  • Phòng truyền thống Quốc hội
  • Khu họp, làm việc của Hội đồng dân tộc, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam
  • Khu khánh tiết bao gồm sảnh, phòng khách quốc tế, phòng tiếp đại biểu và nhân dân nước Việt Nam

Lịch tham quan phòng họp Quốc hội

Thời gian mở cửa tham quan từ Thứ 2 đến Thứ 7 hàng tuần, trừ các ngày Lễ, Tết. Khu trưng bày Khảo cổ học chỉ mở cửa vào Thứ 3 và Thứ 5 (trừ trường hợp đặc biệt).

Hàng ngày có 04 khung giờ Tòa nhà Quốc hội sẽ đón tiếp khách tham quan:

  • Khung 1: 8h15 – 10h15
  • Khung 2: 9h15 – 11h15
  • Khung 3: 14h00 – 16h00
  • Khung 4: 15h00 – 17h00

Trên đây, Nội thất văn phòng MyChair đã chia sẻ những thông tin chi tiết nhất về phòng họp Quốc hội. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận dưới bài viết. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên cập nhật website https://mychair.vn/ của chúng tôi thường xuyên để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin nào bạn nhé!

>> Có thể bạn quan tâm:

Gợi ý 14+ ý tưởng trang trí phòng họp độc đáo, sáng tạo 2023

Khám phá ngay 15+ mẫu trang trí phòng họp trường học đẹp, chuyên nghiệp

Tổng hợp 15+ mẫu trang trí phòng hội nghị sang trọng và đẹp mắt hiện nay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.